Tin tức

Người trẻ “phủ xanh” mạng xã hội

Sống xanh (Green lifestyle) là lối sống gần gũi thiên nhiên, thân thiện với môi trường, hiện đang được nhiều người trẻ chú ý. Các chiến dịch sống xanh, nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cùng xây dựng một cộng đồng có kiến thức, phong cách sống lành mạnh được các cá nhân, tổ chức hướng đến. Mạng xã hội trở thành “cầu nối” để lan tỏa thông điệp ý nghĩa của các chiến dịch này.

Những chiến dịch đổi lấy cây xanh

Trong những năm gần đây, các chiến dịch đổi rác, đổi pin cũ lấy cây xanh được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút nhiều người trẻ quan tâm, hưởng ứng. Như “Nhà nhiều lá” là một tổ chức cộng đồng nổi tiếng trên Facebook nhờ các thông tin, hoạt động hữu ích liên quan đến môi trường. Founder của “Nhà nhiều lá” - anh Hoàng Quý Bình (sinh năm 1995) cho biết, anh chọn TP HCM để xây dựng cộng đồng “Nhà nhiều lá” nhằm đưa các hoạt động về giáo dục, môi trường tiếp cận với người dân thành phố, đặc biệt là thế hệ trẻ để mọi người có thể cùng nhau lan tỏa giá trị tốt đẹp.

Mỗi năm, “Nhà nhiều lá” đều tổ chức đổi pin cũ, giấy, sách vở của mọi người và “trả” lại những cây sen đá. Cụ thể, các cục pin cũ, giấy báo sẽ được quy thành những ngôi sao, cứ 3kg giấy cũ, 5 cục pin được tính là một sao. Người tham gia cũng sẽ dựa theo số sao được quy đổi, để lấy cây sen đá, số lượng không giới hạn. Còn sách báo, pin cũ sau đó sẽ được phân loại và đưa đi tái chế hoặc quyên góp cho các thư viện, nhà trường (đối với sách báo cũ còn tốt).

Để hưởng ứng lối sống Green Life lành mạnh, thân thiện môi trường, nhiều tập đoàn dùng mạng xã hội để kêu gọi việc rèn luyện sức khỏe, đi kèm với bảo vệ môi trường. Như vào tháng 4 năm 2023, Tập đoàn BIM Group đã tổ chức chiến dịch “Đổi cây số lấy cây xanh”. Mỗi cá nhân đăng ký tham gia sẽ được coi là hoàn thành thử thách, khi chạy tối thiểu 6km trong một lần chạy và chia sẻ thành tích lên Facebook. Cứ mỗi lần hoàn thành cự ly chạy, BIM sẽ thay người tham gia trồng một cây xanh tại các thành phố lớn trên cả nước. Chiến dịch này thu hút rất nhiều người trẻ tham gia, quy tụ hơn 2.500 người, với cự ly dài nhất là 21,195km và được chia sẻ trên mạng xã hội với hashtag #BIMDoiCaySoLayCayXanh.

Không chỉ các tổ chức, tập đoàn ủng hộ những chiến dịch sống xanh, bảo vệ môi trường, mà có nhiều cá nhân đã và đang lan tỏa những điều tích cực này. Như Phạm Kim Hằng (sinh năm 1995), Founder của Limart, là một trong những người trẻ nổi tiếng với lối sống xanh. Cô đã thành lập Limart với tiêu chí “Xanh - Sạch - Tử tế” hướng đến sản phẩm từ thiên nhiên, phân hủy sinh học. Được biết, ý tưởng của cô được nhen nhóm từ rất lâu, với mong muốn mọi người có giải pháp xử lý rác thải từ nhựa để bảo vệ môi trường. Khởi đầu bằng chiến dịch thu gom rác thải nylon đổi lấy quà tặng là cây xanh, vật dụng. Sau đó, cô đã một mình tái chế lại và làm thành các món đồ thủ công tinh tế.

Kim Hằng chia sẻ, nylon là một vật liệu khó để tiêu hủy. Vì vậy, cô đã nghĩ ra ý tưởng dùng nylon giặt sạch, kết hợp với vải chăn, vải màn cũ xin được ở các khách sạn để may thành những chiếc túi, hộp bút, áo khoác,… Mỗi món đồ có giá dao động từ 250.000 - 300.000 đồng, số tiền bán được các sản phẩm, cô sẽ dùng để quyên góp cho hội từ thiện, trường học vùng cao hoặc cấp học bổng cho các em nhỏ đi học.

Người trẻ “phủ xanh” mạng xã hội ảnh 1

Trang Nguyễn là nhà bảo tồn động vật hoang dã truyền cảm hứng bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ. (nguồn: Trang Nguyen)

Không chỉ tái chế túi nylon, cô còn đến các ngôi trường, trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật để hướng dẫn họ làm món đồ thủ công từ vật liệu tái chế. Đây là tiền đề, để cô cùng các đồng nghiệp, kết hợp với công ty phần mềm cho ra mắt ứng dụng Limgreen giúp những người khiếm thị có thể bán sản phẩm thủ công, tái chế trên mạng. Đồng thời mở rộng mô hình của Limart thành chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ.

Phủ xanh đồi trọc, bảo vệ động vật hoang dã

Từ việc tham gia, hưởng ứng các chiến dịch sống xanh, sống đẹp. Điều tuyệt vời nhất, chính là hành động của từng cá nhân “chung tay góp sức” trong việc trồng thêm cây xanh, bảo vệ môi trường, động vật hoang dã. Hình ảnh của họ đã trở thành động lực cho rất nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam.

Như Hà Vũ, người sáng lập ra dự án “1 tỷ cây xanh”, từng chia sẻ với báo chí, truyền thông “Rừng trên trái đất giống như hệ da và lông trên cơ thể người. Vì thế, hiện nay, việc đi trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc cấp thiết như cơ thể người bị lở loét, ung nhọt và bít hết lỗ chân lông cần bôi thuốc cho da lông phục hồi giúp điều hòa cơ thể”. Khởi đầu bằng việc phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) trồng 66 loại cây quý hiếm. Đến nay, cô đã đóng góp hàng trăm nghìn cây giống gỗ quý thuộc nhóm 1 (lim xanh, giáng hương, gụ, trắc, dầu rái) cho các đồn biên phòng dọc các tuyến biên giới, trường học, nhà giam, vườn quốc gia,… Hành trình của cô thường xuyên được chia sẻ trên mạng, các trang cá nhân, truyền thông báo chí và được rất nhiều người theo dõi, ủng hộ.

Hoặc như Trang Nguyễn (sinh năm 1990), nhà bảo tồn động vật hoang dã được nhiều người trẻ yêu mến. Bắt đầu tham gia hoạt động bảo tồn từ năm 16 tuổi, đến nay đã hơn 15 năm, Trang là nhà sáng lập và điều hành tổ chức WildAct, thực hiện nhiều dự án bảo tồn động vật hoang dã tại Nam Phi, Campuchia và Việt Nam,… đồng thời cô là đại sứ cho Quỹ United for Wildlife của Hoàng gia Anh. Trang Nguyễn chia sẻ rất nhiều câu chuyện thú vị về việc bảo vệ môi trường trên Facebook cá nhân, từ việc đi rừng, nghiên cứu động vật như báo đốm, vượn cáo má nâu, bảo vệ tê giác,… hay hỗ trợ người dân ở châu Phi. Trang cho biết, cô đi rất nhiều nơi từ Madagascar, Mozambique, Tây Ban Nha,… Trang nhận thấy việc bảo vệ môi trường, động vật ở mọi nơi đều có mối quan hệ với nhau.

Ở Việt Nam, Trang Nguyễn được người dùng mạng xã hội biết đến rất sớm. Từ năm 2011, 2012, các bài viết chia sẻ hình ảnh, lưu giữ kỷ niệm kể về chuyến đi rừng ở nhiều nơi trên thế giới của cô đã được công chúng chú ý. Vài năm sau, cô được các nhà xuất bản ở Việt Nam liên hệ để “gợi ý” về việc viết sách. Từ đó, những cuốn sách như “Trở về nơi hoang dã”, “Chang hoang dã - Gấu” (Chang is the Wild about Bears) đã giúp tên tuổi của cô đến gần hơn với người trẻ. Sách của Trang Nguyễn đã được giải A, Giải thưởng Sách Quốc gia ở Việt Nam vào năm 2021. Trang cá nhân của cô trở thành một “địa chỉ” được học sinh, sinh viên Việt Nam, quốc tế theo dõi. Và họ có thể tự bồi đắp thêm tình yêu với thiên nhiên, môi trường, động vật hoang dã.

Không chỉ bảo vệ môi trường bằng hành động cụ thể, có nhiều người trẻ sử dụng rác thải khó phân hủy để tạo thành những tác phẩm nghệ thuật được cộng đồng mạng yêu thích. Đó là những bức tranh của đạo diễn trẻ Ngạc Lâm Vũ, được chia sẻ rộng rãi trên mạng. Tranh của anh làm hoàn toàn từ rác thải như chai Aquafina, vỏ lon, túi nylon, ống hút nhựa, hộp mỳ tôm,…

Người trẻ “phủ xanh” mạng xã hội ảnh 2

Chiến dịch đổi rác, pin cũ lấy cây xanh được người trẻ hưởng ứng nhiệt tình. (nguồn: Nhà nhiều lá)

Anh chia sẻ, trong thời gian nghỉ do dịch bệnh COVID-19, anh vẽ tranh để giải tỏa tinh thần: “Trong lúc vẽ, tôi nhận ra xung quanh có rất nhiều đồ bằng nhựa”. Anh đã để ý những túi nylon, hoặc các đồ đóng gói đều chỉ được sử dụng một lần rồi vứt đi nên rất lãng phí và làm ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, Ngạc Lâm Vũ đã dùng tất cả vật liệu này để làm ra những bức tranh độc đáo. Ví dụ như giấy gói chống sốc được anh gắn lên tranh tạo hiệu ứng bọt biển, hay cốc, hộp mì tạo ra các hình khối.

Khởi đầu từ sở thích vẽ tranh từ các nguyên vật liệu tái chế, đạo diễn Ngạc Lâm Vũ đã sáng tạo nên hơn 20 bức tranh khác nhau. Các bức tranh được anh chia sẻ lên mạng xã hội, trở thành động lực tích cực, giúp người trẻ có thể thấy bằng sức sáng tạo, trí tưởng tượng thì bất cứ vật dụng nào cũng có thể hữu ích. Đặc biệt hơn, đó là những tác phẩm nghệ thuật này không chỉ có tính thẩm mỹ, mà còn mang ý nghĩa tốt đẹp đến cho cộng đồng.

Sống xanh (Green lifestyle) không phải là một trào lưu mà là sự lựa chọn sống tích cực, được hiểu là một lối sống thân thiện, giảm thiểu những tác động có hại đến môi trường, luôn hài hòa với thiên nhiên, nó được thể hiện qua cách sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Bắt nguồn từ những việc nhỏ nhặt nhất như: không xả rác, cách xử lý rác thải, hạn chế sử dụng các ly nhựa, tiết kiệm điện nước,… Ngoài ra, lối sống xanh còn chính là chăm sóc bản thân đúng cách, với những thói quen sống gần gũi thiên nhiên lành mạnh.

 

Nguồn: baophapluat.vn

Người trẻ “phủ xanh” mạng xã hội

Sống xanh (Green lifestyle) là lối sống gần gũi thiên nhiên, thân thiện với môi trường, hiện đang được nhiều người trẻ chú ý. Các chiến dịch sống xanh, nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cùng xây dựng một cộng đồng có...

Trồng mới hàng loạt cây từ những bước 'chạy xanh'

Một sáng kiến thú vị trên mạng xã hội mang tên "Đổi cây số, lấy cây xanh" đã góp phần trồng thêm rất nhiều cây xanh trong số hơn 30.000 cây được trồng mới tại các đô thị lớn trên cả nước.

Những câu chuyện thú vị đằng sau hashtag #BIMDoiCaySoLayCayXanh

Chỉ sau gần 2 tuần phát động, chiến dịch “Đổi cây số lấy cây xanh” đã nhận được nhiều quan tâm liên tục trên mạng xã hội, đồng thời Ban tổ chức đã ghi nhận số lượng lớn bài đăng tham gia từ hashtag #BIMDoicaysolaycayxanh, cũng như những bài chia...